Có người từng nói, cuộc đời của mỗi người không đong đếm bằng tuổi tác mà bằng những trải nghiệm. Du học chắc chắn cũng là một trong những trải nghiệm có thể thay đổi một con người. Bạn có thể trưởng thành và thành công, cũng có thể thất bại và cay đắng trên con đường du học. Nhiều người trong chúng ta rất khó chấp nhận sự thật này. Nhất là những phụ huynh mang kỳ vọng khi gửi gắm con đi du học. Những thử thách luôn chờ đợi các bạn trẻ như sốc văn hóa, rào cản ngôn ngữ... là không thể tránh khỏi. Quan trọng là cách các bạn đối mặt với những thử thách đó như thế nào.Hãy cùng Hợp Điểm khám phá cách tận hưởng cuộc sống của du học sinh Mỹ một cách trọn vẹn nhất nhé!
Những cú sốc khi du học đến từ những điều bạn tưởng chừng như sẽ dễ dàng vượt qua. Ngay cả việc ăn uống hay mua sắm thôi cũng có thể khiến cuộc sống ở đất nước mới chật vật hơn. Khi còn ở Việt Nam, cô bạn tôi vẫn yêu thích những món ăn nhanh như gà rán, pizza mỗi dịp cuối tuần. Vậy mà du học 3 tháng ở Mỹ, bạn chẳng còn hào hứng với những món ăn ấy nữa. Giờ đây bạn chỉ muốn có một bữa cơm Việt Nam chứ không phải bữa trưa một chiếc sandwich và một quả táo khiến bạn đói hoa mắt, chẳng hơi sức tiếp thu bài giảng cả buổi chiều!
Đôi khi thời tiết ở nơi du học cũng là một trở ngại. Việt Nam là đất nước nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm thế nên chắc hẳn bạn trẻ nào cũng sẽ ao ước đến cảnh tượng tuyết rơi và khí trời se se lạnh. Thực tế ở Mỹ, chẳng hạn như bang San Francisco, nhiệt độ thường dao động khoảng 15 độ C khiến nhiều bạn luôn gặp tình trạng da nứt nẻ, tê cóng chân tay.
Điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cộng thêm việc ăn uống thất thường có thể khiến sức khỏe của bạn suy giảm. Thế nhưng tiền bảo hiểm lại là một vấn đề nhức nhối khác đối với du học sinh. Mỗi lần khám chữa bệnh đều tốn kém nhiều chi phí, thuốc thang. “Tôi trả bảo hiểm gần 5,000 USD/năm mà bảo hiểm của tôi vẫn không bao gồm tiền khám chữa răng. Mấy lần răng đau mà tôi đâu dám đi chữa vì biết là thế nào đến bác sĩ cũng mất bay cả ngàn đô, thôi cố nhịn về Việt Nam làm cho rẻ”, tâm sự của Huyền Chip, tác giả “Xách ba lô lên và đi” khi du học thạc sĩ tại Đại học Stanford.
Một cậu bạn của tôi lại khác. Cậu có IELTS 6.0 khi du học Mỹ, một kết quả không phải quá tệ nhưng cậu vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc nói chuyện với người địa phương lẫn khi nghe giáo viên giảng dạy. Thời gian đầu cậu rất rụt rè trong giao tiếp và hiển nhiên chẳng có mấy bạn bè, bài giảng lúc nào cũng phải ghi âm để về nhà nghe lại.
Những trở ngại dù nhỏ nhưng có thể làm ảnh hưởng đến con đường du học của bạn rất nhiều. Tuy vậy, có câu “Ngọc bất trác bất thành khí”, bất cứ người trẻ nào cũng nên có cho mình hoài bão lớn để thử thách và trưởng thành hơn. Du học sẽ là cơ hội đưa bạn đến những chân trời mới. Ở đó, bạn có điều kiện học tập nghiêm túc, chuyên sâu và tiến bộ hơn. Cuộc sống có thể vất vả nhưng cũng có sự cạnh tranh thú vị. Rời xa vòng tay của gia đình, du học có thể cho bạn một diện mạo mới, tràn đầy sức sống và sự tự tin, chín chắn hơn ngày trở về.
Hoa Kỳ - Đất nước xa hoa, tráng lệ từ tên gọi nhưng không có nghĩa là mọi thứ tại đó đều hoàn hảo. Nhưng nếu chỉ vì những khó khăn đó mà bạn đã nản chí thì thật đáng tiếc cho tuổi trẻ. “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” là cách để du học sinh làm chủ con đường “vươn ra biển lớn” của mình. Hãy làm chủ con đường mình đi, biết mình muốn gì và thử thách bản thân không ngần ngại. Hãy xem những thử thách là chất xúc tác để tôi luyện bản thân. Dù chưa chắc sẽ thành công như ta mong muốn nhưng chắc chắn rằng mình sẽ học được nhiều hơn và trưởng thành hơn.