Theo nghiên cứu mới nhất của Nuffic về tỷ lệ lưu trú của sinh viên quốc tế, gần một phần tư sinh viên quốc tế (24,7%) tiếp tục sinh sống tại Hà Lan trong vòng 5 năm sau khi tốt nghiệp. Con số ước tính lên đến gần 22.000 tài năng đến từ khắp nơi trên thế giới.
Để có được bức tranh toàn cảnh về tỷ lệ lưu trú giữa một lượng lớn sinh viên quốc tế đã tốt nghiệp, nghiên cứu này đã tập trung vào một khoảng thời gian dài hơn. Kết quả cho thấy hơn một nửa sinh viên tốt nghiệp trong giai đoạn 2006-2007 và 2012-2013 sẽ rời Hà Lan trong vòng một năm. Tuy nhiên, cứ mỗi năm con số sinh viên quyết định ở lại càng tăng. Cụ thể là gần một phần tư các cựu sinh viên quốc tế này ở lại ít nhất 5 năm và hơn 72% đã có việc làm đảm bảo, tương đương với tỉ lệ việc làm của dân số Hà Lan trong năm 2016.
Sinh viên hoàn thành khóa học trong các ngành đang thiếu hụt lao động hoặc được dự đoán là tiềm năng trong tương lai sẽ có nhiều khả năng ở lại. Không thiếu các tài năng quốc tế theo học các chương trình kỹ thuật lựa chọn tiếp tục làm việc tại Hà Lan (41% từ các trường Đại học, 26% từ các Đại học Khoa học Ứng Dụng, tổng số là 3,315 sinh viên tốt nghiệp). Sinh viên tốt nghiệp từ lĩnh vực Giáo dục, Chăm sóc sức khỏe và Khoa học tự nhiên cũng có xu hướng phát triển sự nghiệp tại Hà Lan.
Việc giữ chân các nhân tài quốc tế đem lại nguồn thu lớn cho chính phủ Hà Lan. Nghiên cứu cho thấy rằng ít nhất 19% tất cả các sinh viên tốt nghiệp vẫn ở Hà Lan cho đến cuối đời, tạo ra 1,64 tỷ euro cho ngân khố mỗi năm. Nếu nhà nước quản lý để giữa lại tất cả các sinh viên tốt nghiệp còn ở ở Hà Lan sau 5 năm, con số này sẽ tăng lên 2,08 tỷ euro.
Freddy Weima – tổng giám đốc của Nuffic nhận định sinh viên quốc tế là một phần quan trọng đối với Hà Lan: “Sinh viên quốc tế đóng góp vào chất lượng giáo dục của chúng tôi thông qua các lớp học quốc tế. Bên cạnh đó, họ cũng là tài sản kinh tế cho nền kinh tế tri thức và ngân khố nhà nước. Vì lý do này, chúng tôi phải tạo điều kiện và nỗ lực chung để giữa chân các tài năng quốc tế”
Hà Lan tiếp tục cho thấy là mảnh đất màu mỡ thu hút nhiều sinh viên quốc tế đến học tập và sinh sống. Không chỉ là một trong những nền giáo dục thuộc hàng top thế giới, chi phí ăn ở và học phí hợp lý, “xứ giày gỗ” còn có hàng loạt các loại học bổng hấp dẫn.
Bên cạnh đó, nhằm thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới, chính phủ Hà Lan cho phép sinh viên không thuộc EU (non-EU) sau khi tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục Hà Lan có thể nộp đơn xin giấy phép cư trú trong vòng một năm, gọi là “Orientation year” – Năm định hướng. Trong “Năm định hướng”, sinh viên quốc tế có thể nhận bất kỳ loại hình công việc nào như công việc bán thời gian, thực tập trả lương hoặc không lương trong vòng 12 tháng mà không cần giấy phép lao động.